Truyện Tiên Hiệp – Một trào lưu văn học mới

bởi Huyết Nguyệt

Trích từ FB. Hà Thanh Vân 

Ngày 26.12.2019 tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia do Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Hội thảo có chủ đề là: “Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới trong ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy ngữ văn”. Hội thảo đã thu hút nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn ở các trường đại học và các viện nghiên cứu khắp trên cả nước.

Vân được ưu ái cho phát biểu về bài báo cáo của Vân. Bài báo cáo của Vân nhan đề là TRUYỆN TIÊN HIỆP HIỆN ĐẠI MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MỚI CỦA TRUNG QUỐC.

Vân post lại bài báo cáo ở đây:

TRUYỆN TIÊN HIỆP HIỆN ĐẠI
MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MỚI CỦA TRUNG QUỐC

TRUYỆN TIÊN HIỆP HIỆN ĐẠI MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MỚI CỦA TRUNG QUỐC

TRUYỆN TIÊN HIỆP HIỆN ĐẠI
MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MỚI CỦA TRUNG QUỐC

Hà Thanh Vân

Tóm tắt:

Trên không gian mạng ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chúng ta nhận thấy một hiện tượng độc đáo. Đó là hiện tượng hình thành những trang web chuyên dịch truyện tiên hiệp từ Trung Quốc, và sau đó là những trang web của các tác giả Việt Nam sáng tác theo phong cách tiên hiệp. Vậy tiên hiệp là gì? Tại sao nó lại trở thành một hiện tượng văn học của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đọc của công chúng, thu hút được sự say mê của các độc giả ở châu Á? Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu diện mạo, đặc điểm của truyện tiên hiệp.

1. Truyện tiên hiệp khởi nguồn từ trong lịch sử văn học cổ, trung đại của Trung Quốc.

Tiên hiệp (仙侠) là một danh xưng mới có gần đây. Tiên hiệp hiện đại là một loại truyện bùng nổ ở Trung Quốc từ năm 2003, bắt nguồn từ tác phẩm “Tru tiên” của nhà văn Tiêu Đỉnh. Tác phẩm này lúc đầu đăng dài kỳ trên mạng, sau đó vì sức hấp dẫn của nó nên đã được trả một triệu nhân dân tệ để xuất bản và tác giả Tiêu Đỉnh ngay lập tức trở thành người nổi tiếng. Sau thành công của “Tru tiên”, đã xuất hiện một loạt tác giả viết truyện tiên hiệp, tạo thành một làn sóng mới trong văn học Trung Quốc. Trong cách gọi của văn học Trung Quốc đương đại, nếu kiếm hiệp là những tác phẩm viết về những con người có võ công, đặt trong bối cảnh giới giang hồ; ngôn tình là những câu chuyện về tình yêu, đam mỹ là những câu chuyện về tình yêu đồng tính luyến ái nam, bách hợp là những câu chuyện về đồng tính luyến ái nữ, thì tiên hiệp lại thu hút người đọc bằng những yếu tố kỳ ảo của nó, viết về những con người bình thường tu tiên nhằm đạt đến sự trường sinh bất tử. Thế giới nhân vật của tiên hiệp thường là con người, thần tiên, ma quỷ. Nếu trong kiếm hiệp con người tu luyện võ công, nội lực, thì ở tiên hiệp có thể nói là sự tưởng tượng nối tiếp của kiếm hiệp, các nhân vật tu luyện những tâm pháp cao hơn, sử dụng linh khí (như linh lực, tiên lực, thần lực, ma pháp). Trong tiên hiệp đôi khi cũng đan xen yếu tố ngôn tình, đam mỹ, bách hợp, có yếu tố tình yêu trong câu chuyện song không phải là yếu tố chính.

Tuy nhiên ngay từ thời cổ đại, trong văn học Trung Quốc đã có những tác phẩm mang màu sắc thần thoại, nói về con người, thần tiên, ma quỷ. Những tác phẩm đó đươc coi là cội nguồn, là nền móng cho truyện tiên hiệp hiện đại. Thời Xuân Thu Chiến Quốc có tác phẩm “Sơn Hải Kinh”, thời Tây Hán có “Thần dị kinh”, “Hoài Nam Tử”, “Liệt tiên truyện”, “Thập châu ký”, thời Đông Tấn có “Thiên tiên phối”, “Sư thần ký”, thời Tùy có “Cổ kính ký”, đời Đường có “Dị văn tập”, “Ly hồn ký”, “Bố giang tổng bạch viên truyện”, “Lương tứ công ký”, “Minh báo ký”, “Chẩm trung ký”, “Định mệnh lục”, “Huyền quái lục”, thời Tống có “Thái bình quảng ký”, “Thanh tỏa cao nghị”, “Văn uyển hoa anh”, “Quái dị chí”, thời Minh có “Tây du ký”, “Tế công truyện diễn nghĩa”, “Phong thần diễn nghĩa”, thời Thanh có “Đường nhân thuyết hội”, “ Bạch xà truyện”, “Bát tiên đắc đạo truyện”, “Bảo liên đăng”, “Liêu trai chí dị”, “Kính hoa duyên”, “Tử bất ngữ”, “Duyệt vi thảo đường bút ký”…

2. Cơ sở phát triển của tiên hiệp hiện đại

Tiên hiệp hiện đại tuy là một trào lưu mới, song nguồn gốc của nó đã có từ lâu đời trong lịch sử Trung Quốc với những tác phẩm mang yếu tố hoang đường, kỳ ảo như nổi tiếng như đã kể ra ở trên. Những tác phẩm này có thể là những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, được ghi lại khuyết danh, hay là có tác giả trước tác như “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Phong thần diễn nghĩa” của Hứa Trọng Lâm, “Tế Công truyện diễn nghĩa” của Quách Tiểu Đình… Truyền thống viết truyện hoang đường, kỳ ảo là một truyền thống xuyên suốt trong lịch sử văn học Trung Quốc. Do vậy tiên hiệp hiện đại chỉ là bước phát triển mới của dòng truyện truyền thống này. Cộng thêm truyền thống của Đạo giáo và sâu xa hơn là “Tam giáo đồng lưu” cũng là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện tiên hiệp phát triển. Và truyền thống viết tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc cũng được xem là nguồn cảm hứng của tiên hiệp, đúng như tên gọi của nó, vừa có yếu tố thần tiên, vừa có yếu tố hiệp nghĩa.

Cơ sở ban đầu của trường phái tiên hiệp hiện đại là từ thời Trung Hoa dân quốc, dung hợp từ tác phẩm “tiên” và tác phẩm “hiệp”, có sắc thái thần thoại và tinh thần hiệp nghĩa. Rõ ràng nhất là “Thục Sơn kiếm hiệp truyện” của Hoàn Châu Lâu Chủ, nửa đầu tác phẩm thuộc về võ hiệp truyền thống, nửa sau lại mang sắc thái thần thoại; trong nhóm võ hiệp thì nó là “cổ tiên võ hiệp”, trong nhóm tiên hiệp nó lại thuộc “tiên hiệp cổ điển”. Đây là “bước đi thăm dò” của tiên hiệp hiện đại, tuy tác giả Hoàn Châu Lâu Chủ chưa thể chân chính dung hợp “tiên” và “hiệp” vào với nhau, tác phẩm lắt léo, quá mức rườm rà, bất lợi cho việc phổ biến đại chúng, nhưng lại là cống hiến mở đường cho trường phái tiên hiệp hiện đại. “Hiệp” chính là nhập thế, “tiên” lại là xuất thế, cho nên “tiên” và “hiệp” tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng sức hấp dẫn lớn nhất của tiên hiệp cũng đến từ chính mâu thuẫn này; mâu thuẫn giữa “Vô tình đại đạo” và “Hữu tình chúng sinh” đó chính là ý nghĩa chung của tác phẩm tiên hiệp hiện đại.

Nguyên nhân khiến cho truyện tiên hiệp hiện đại Trung Quốc nở rộ và thành trào lưu ở đất nước có nền văn hóa truyền thống rực rỡ này khá đơn giản. Thứ nhất Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa từ lâu, những luồng văn hóa phổ thông, đại chúng đã trở thành món ăn tinh thần cho nhân dân, sánh vai cùng những trào lưu văn hóa khác. Thứ hai, bản thân Hội Nhà văn Trung Quốc ngay từ năm 1980 đã ra văn kiện trong đó chủ tịch Hội Nhà văn Mao Thuẫn khẳng định: “Đầu tiên là giải phóng tư tưởng, điều đó không những nói nhà văn mà nói cả lãnh đạo nữa. Đề tài cần đa dạng hóa, không có bất cứ một khu cấm nào, nhân vật cũng phải đa dạng hóa, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật trung gian, nhân vật lạc hậu đều có thể viết, không cấm. Đó là những điều mọi người nhất trí, thừa nhận. Nhưng phương pháp sáng tác cũng phải đa dạng hóa, nhà văn có quyền tự do lựa chọn bất cứ phương pháp nào” (Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ 4 của những người làm công tác văn nghệ văn học Trung Quốc, dẫn theo “Đổi mới lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới”, Lê Huy Tiêu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014). Từ đó văn học Trung Quốc phát triển đa dạng, phong phú. Thứ ba, nhà nước Trung Quốc cấm các trang mạng nước ngoài như Google, Facebook…, tập trung phát triển những trang mạng trong nước, khuyến khích độc giả sử dụng những trang mạng Trung Quốc, thực hiện chính sách “cua đồng” trên mạng (từ ám chỉ rằng Trung Quốc khuyến khích viết về những vấn đề ca ngợi, những vấn đề làm công chúng lãng quên thực tại, lãng quên những tiêu cực xã hội). Chính vì những lẽ đó, Trung Quốc không cấm dòng tiểu thuyết tiên hiệp, mà ngược lại còn để nó nở rộ trên mạng. Mặt khác, số lượng tác giả tiên hiệp ngày một tăng lên, do việc bán sách nhanh chóng giúp họ nổi tiếng, kiếm được thu nhập, không chỉ từ sách in, mà còn từ việc trả phí khi đọc trên mạng. Các nhà văn Trung Quốc thường tải từng phần tác phẩm của mình lên mạng, ai muốn đọc thì phải có tài khoản, đăng nhập và trả tiền. Bù vào đó, độc giả được tham gia vào cốt truyện, có quyền góp ý cho nhà văn nên phát triển cốt truyện theo hướng nào, kết thúc ra sao, có hậu hay không có hậu. Tất cả những điều đó làm cho tiên hiệp hết sức phát triển. Khi vào Việt Nam, do đặc điểm nhẹ nhàng, dễ hiểu, nói về những câu chuyện ly kỳ, giàu tưởng tượng nên rất nhanh chóng, truyện tiên hiệp hiện đại được nhiều độc giả trẻ Việt Nam say mê. Hơn nữa, mạng internet bây giờ là phương tiện chuyển tải tốt nhất cho truyện cho ngôn tình. Không chờ sách in, nhiều độc giả biết tiếng Hoa đã tự dịch, tự tải lên mạng để chia sẻ. Hiện nay ở Việt Nam có hàng trăm trang web, diễn đàn, blog như vậy.

3. Sức thu hút của tiên hiệp hiện đại đến từ nội dung của tác phẩm

Cốt truyện của tác phẩm tiên hiệp hiện đại thường khá đơn giản, thường là giới thiệu nhân vật chính ngay từ đầu. Nhân vật chính là phàm nhân, có mong muốn được tu tiên, có thể có cốt cách phẩm chất tu tiên ngay từ đầu, có khi là một người được xếp vào hàng “phế vật”, nhưng điểm chung là phải có ý chí, có tinh thần một lòng quyết tâm tu luyện. Nhân vật có thể xin gia nhập vào một môn phái tu tiên. Sau đó nhân vật lần lượt trải qua các kỳ ngộ, có cơ duyên đạt được một bí kíp tu luyện hay ăn được một thiên tài địa bảo nào làm thay đổi cốt cách. Từ đó nhân vật chính thức bước vào con đường tu luyện, có thể tu luyện một mình (tán tu), có thể gây dựng môn phái. Trên con đường tu tiên ấy, nhân vật gặp nhiều kẻ thù và trải qua nhiều mối nguy hiểm, nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng đều chiến thắng tất cả. Bên cạnh nhân vật chính cũng thường có một hay nhiều người đẹp vây quanh, yêu thương hết lòng. Kết thúc tác phẩm thì nhân vật thường tu luyện lên đến đỉnh cao, là chúa tể của mọi giới (trong tác phẩm tiên hiệp thường có Lục giới, theo thứ tự là Thần giới, Tiên giới, Nhân giới, Yêu giới, Ma giới, Quỷ giới).

Sức thu hút của tiên hiệp hiện đại có lẽ nằm ở chính yếu tố hoang đường, kỳ ảo của chúng. Ở đó các nhân vật là con người bình thường, trải qua quá trình tu tiên khó khăn, có thể đạt đến sự trường sinh bất tử, đi mây về gió, bay lên chín tầng trời, đi từ tinh cầu này sang tinh cầu khác. Trong tiên hiệp cũng đặc biệt không thiếu những câu chuyện đánh nhau bằng cách đấu phép thuật. Ngoài ra đọc tiên hiệp, độc giả cũng có thêm rất nhiều kiến thức về văn hóa phương Đông, phương Tây, về các tôn giáo như Nho, Phật, Đạo. Trong tiên hiệp, cũng có những kiến thức về hóa học như chuyện luyện đan dược, vật lý như bước vào .một không gian gia tốc thời gian nhiều ngàn lần, chẳng hạn như bước vào một không gian mà một ngày trong đó bằng một ngàn năm ở hạ giới.

Truyện tiên hiệp thỏa mãn rất cao yếu tố giải trí của độc giả, kèm theo những kiến thức rộng rãi như vậy, cho nên người đọc đặc biệt thích truyện tiên hiệp và thường đã đọc thì không dứt ra được. Cách in từng kỳ trên mạng đã tạo nên sức hấp dẫn của truyện tiên hiệp, tương tự như cách in nhiều kỳ feuilleton của kiếm hiệp ngày trước trên các báo. Do xuất bản từng kỳ trên mạng nên người đọc phải nạp tiền vào tài khoản trên mạng mới đọc được. Đồng thời qua những comment, người đọc cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến đường hướng phát triển của câu chuyện. Cách đăng nhiều kỳ theo từng chương hồi cũng là bắt nguồn từ truyền thống tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, trong đó mỗi chương lại là một nút thắt lại, để chương sau mở ra, nên càng thu hút người đọc trên mạng.

Các bộ tiên hiệp thường rất dài. Chẳng hạn như bộ “Phàm nhân tu tiên” của Vong Ngữ với độ dài 2445 chương. Tuy nhiên đây mới chỉ là phần 1, tác giả đã viết tiếp phần 2 có độ dài gần tương tự và hứa hẹn sẽ còn viết tiếp phần 3. Truyện “Đế Bá” của tác giả Yếm Bút Tiêu Sinh có độ dài 4758 chương và tác giả vẫn đang viết tiếp. Nhưng kỷ lục là bộ “Phế vật nghịch thiên tiểu thư” của tác giả Tô Tiểu Noãn đã có độ dài 10680 chương và vẫn còn đang viết tiếp. Ngoài ra không có bộ tiên hiệp nào ngắn cả. Trung bình mỗi truyện tiên hiệp có độ dài hai ngàn chương. Một đặc trưng của tiên hiệp là tính chất dài kỳ của nó, miêu tả quá trình từ một con người phàm nhân tu thành tiên, sau đó tu thành thần.

Có thể kể ra 10 truyện tiên hiệp hay nhất đã được các công dân mạng ở châu Á xếp hạng trong những năm qua:

1. “Phàm nhân tu tiên” của Vong Ngữ
2. « Tiên nghịch » của Nhĩ Căn
3. « Bách luyện thành tiên » của Huyền Vũ
4. « Tinh thần biến » của Ngã Cật Tây Hồng Thị
5. « Thế giới tu chân » của Phương Tưởng
6. « Thần mộ » của Ngô Biển Quân
7. « Phi thăng chi hậu » của Hoàng Phủ Kỳ
8. « Tạp đồ » của Phương Tưởng
9. « Bàn Long » của Ngã Cật Tây Hồng Thị
10. « Tru tiên » của Tiêu Đỉnh

Đặc trưng của thể loại tiên hiệp chính là chất hoang đường, kỳ ảo và giàu trí tưởng tượng của nó. Trong đó nhân vật chính thường vượt qua muôn ngàn khó khăn trên con đường tu thành tiên hay thành thần. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp thường đan xen những yếu tố tình cảm lãng mạn, nhân vật chính có thể đa thê hay có một mối tình khắc cốt ghi tâm với một nhân vật nữ, tạo sự hấp dẫn đối với người đọc. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp còn có những cuộc săn tìm những bí mật kinh thiên động địa, những trận đánh nhau (đấu phép thuật) ly kỳ. Và đặc biệt truyện tiên hiệp nào cũng có kết thúc có hậu, nhân vật chính thành công trên con đường tu tiên, làm thỏa mãn thị hiếu của độc giả.

Yếu tố giải trí chính là yếu tố hàng đầu mà giới trẻ tìm được khi đọc truyện tiên hiệp. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp còn có rất nhiều yếu tố của tôn giáo, của văn hóa Phương Đông, Phương Tây (Phương Tây như những câu chuyện về rồng hay ma pháp sư) nói chung và Trung Quốc nói riêng. Giới trẻ đến với tiên hiệp là đến với thế giới của sự hấp dẫn toát ra từ những hành động của các nhân vật, những chi tiết, tình tiết, kết cấu của tác phẩm, những kiến thức về văn hóa, tôn giáo. Giới trẻ cũng tìm thấy nhiều điều ở truyện tiên hiệp, đó là tinh thần vượt khó của nhân vật chính, những khung cảnh ly kỳ, giúp độc giả trẻ thỏa mãn trí tưởng tượng. Điều này cũng có phần giống với truyện kiếm hiệp, khi tiên hiệp thỏa mãn đòi hỏi của giới trẻ về những yếu tố ly kỳ, mới lạ, éo le.

Tất nhiên một hiện tượng văn học phát triển rầm rộ như tiên hiệp bao giờ cũng có hai mặt của nó. Khía cạnh tích cực của truyện tiên hiệp là yếu tố giải trí và độc giả có thể học hỏi được những kiến thức thú vị của tác phẩm. Song một thế giới có quá nhiều điều hoang tưởng, kỳ ảo tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người đọc. Trong văn học có khái niệm « tầm đón nhận » của độc giả. Trong đó độc giả được hiểu như là có sự tiếp nhận tác phẩm từ ngưỡng của chính mình. Ngưỡng ở đây là trình độ văn hóa có sẵn, kiến thức nền tàng, giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh cá nhân… Do vậy với người đọc chưa được trang bị một « tầm đón nhận » phù hợp, tất yếu những tác phẩm tiên hiệp sẽ tạo những hiệu ứng tâm lý xấu, như quá chìm đắm vào những điều không có thật, hoang tưởng. Do tính chất chương hồi của tiên hiệp, người đọc thường say sưa đọc, theo dõi nên cũng mất nhiều thời gian, có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Từ kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy, đã đọc tiên hiệp là không dứt ra được. Mặt khác một số truyện tiên hiệp có xu hướng đề cao tinh thần Đại Hán, coi Trung Quốc là trung tâm và coi thường những dân tộc khác. Điều đáng lo ngại ở truyện tiên hiệp, không phải là ở những chuyện hoang đường ma quái, kinh dị, mà điều đáng lo ngại ở chỗ có nhiều cuốn sách ngôn tình đề cao văn hóa Đại Hán, văn hóa Hoa Hạ, xem văn hóa Trung Quốc là số một, đề cao dân tộc Trung Hoa, xem những dân tộc khác (ví dụ như người Nhật Bản) là thấp kém. Đây cũng là điều tiêu cực của tiên hiệp và sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý người đọc.

Hiện nay ở Việt Nam có nhà xuất bản Văn hóa thông tin và nhà xuất bản Đà Nẵng đã dịch và cho in một số bộ tiên hiệp nổi tiếng như “Tru tiên”, “Phàm nhân tu tiên”, “Bàn Long”, “Thần mộ”, song chủ yếu vẫn là do người đọc Việt Nam tự dịch và đưa lên mạng. Có một số trang web chuyên đăng truyện tiên hiệp như truyenfull.vn, webtruyen.com, truyendich.com, goctruyen.com v.v…

Ở Việt Nam cũng có một số tác giả học tập viết truyện tiên hiệp đăng trên mạng, song chưa gây được tiếng vang và chưa thành công. Thành công nhất có lẽ phải kể đến tác giả Tuấn Nguyên Hoài Đức với tác phẩm “Huyền thoại nhị thần” do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in.

Lý thuyết tiếp nhận văn học có khái niệm tầm đón đợi, chỉ sự tiếp nhận của công chúng với tầm văn hóa có sẵn, ngưỡng đọc và tư duy có sẵn. Công chúng thì đa dạng và mỗi tầm đón đợi của mỗi người là khác nhau. Không thể đòi hỏi tất cả xã hội phải đi theo một chiều, ăn một món ăn tinh thần. Công chúng cần những món ăn tinh thần đa dạng. Đã từng có những trào lưu văn hóa ở Việt Nam như truyện tranh Nhật, phim truyền hình Hàn Quốc, vậy tại sao chúng ta không xem truyện tiên hiệp hiện đại là một trào lưu văn học với đầy đủ ưu khuyết điểm của nó, thay vì đặt chúng ra ngoài đời sống văn học.

Trong việc tìm hiểu tiên hiệp, chúng ta chưa thấy tiếng nói của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học. Các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học không nói đến tiên hiệp (chắc vì nhiều người trong số họ cho là rẻ tiền, không đáng đọc). Nên có nhiều bài báo, bài nghiên cứu về tiên hiệp mang tính khoa học, thấu đáo để cho công chúng hiểu đâu là mặt tiêu cực, đâu là mặt tích cực của tiên hiệp. Chính điều này sẽ tạo ra tầm đón đợi cho công chúng, nhất là những công chúng trẻ tuổi, và tạo ra bộ lọc tốt cho sách tiên hiệp. Thay vì bỏ qua tiên hiệp chúng ta hãy cùng điều chỉnh thị hiếu cho độc giả qua những phương tiện thông tin đại chúng, ở đó cái được và chưa được của tiên hiệp đều được nêu lên sòng phẳng, khách quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huy Tiêu (2014), Đổi mới lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. https://baike.baidu.com/item/%E4%BB%99%E4%BE%A0/1738026
3. https://www.hackingchinese.com/a-language-learners-guide-to-wuxia-novels/

Hà Thanh Vân 

Người đăng: Huyết Nguyệt
 

Bài liên quan

Bình luận